Bắc Ninh xưa và nay: Danh nhân Nguyễn Gia Thiều, một hồn thơ sống mãi

Một sớm Thu sang, chầm chậm đi trên đường Nguyễn Gia Thiều xanh mướt những bóng cây, tận hưởng không gian bình lặng hiếm hoi ở trung tâm thành phố miền Quan họ, tự nhiên thấy kí ức mình động đậy niềm hoài cảm. Tôi tự hỏi, ngày qua ngày, người xe tấp nập đi trên con đường “đắt đỏ” bậc nhất của thành phố này, có ai từng chợt nhớ đến bậc danh nhân tài năng? Có ai xúc động đồng cảm với một tâm hồn thơ xuất chúng, mượn bóng người cung nữ mà réo rắt ngân lên tiếng lòng “Trải vách quế gió vàng hiu hắt/Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng...”.
phan-mo

Phần mộ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều ở giữa mênh mông mây trời, gió hương đồng nội đất quê Liễu Ngạn, Ngũ Thái, Thuận Thành.

Nguyễn Gia Thiều nổi tiếng với tuyệt phẩm của thi ca chữ Nôm - “Cung oán ngâm khúc”. Tác phẩm là tiếng thét oán hờn của người cung nữ tài sắc vẹn toàn sống trong hoàng cung, lúc đầu được vua ân sủng, yêu thương thắm thiết nhưng chẳng bao lâu lại bị ruồng rẫy không thương tiếc. Ra đời ở thế kỉ 18- thời kỳ lịch sử đầy biến động với bao bất công và bế tắc, do đó “Cung oán ngâm khúc” còn là tiếng nói gay gắt, quyết liệt đầy phẫn nộ, là bản cáo trạng tố cáo sự tàn ác của chế độ phong kiến lúc bấy giờ. Bằng tài năng và tinh thần nhân văn sâu sắc, nhà thơ viết về nỗi oán hờn của người cung nữ trong cung cấm nhưng cũng chính là viết về cuộc đời chung trong thời buổi nhiễu nhương đó.
Trước đây, trong chương trình học phổ thông, tác phẩm Cung oán ngâm khúc chỉ được xếp vào bài đọc thêm. Song có lẽ vì hồn thơ Nguyễn Gia Thiều lay động, mà cũng có thể vì không muốn đám học trò chịu thiệt thòi nếu bỏ lỡ một tuyệt tác bất hủ với tư tưởng và thẩm mỹ vào hàng cao sang, sâu sắc bậc nhất trong kho tàng văn học cổ nước nhà nên thầy giáo của chúng tôi đã cao hứng dành trọn 2 tiết Văn để bình giảng. Và trên bục giảng năm ấy, thầy giáo say sưa giảng như “nhập đồng”, còn đám học trò chúng tôi ngồi dưới nghe như bị thôi miên... Sau này, đọc lại Cung oán ngâm khúc, tôi biết rất nhiều người đồng cảm với trái tim rộng lớn và tâm hồn nhạy cảm, đa đoan của tác giả Nguyễn Gia Thiều. Phải thấu hiểu, đau đớn đến xé lòng, phải chứa chan tinh thần nhân đạo mới có thể dồn tâm huyết “chắt chiết” ra những câu thơ như dao khắc chạm vào đá, lay động tâm can người đọc suốt hàng trăm năm như thế!
Một nhà thơ đương đại cảm phục, trân quý hồn thơ Nguyễn Gia Thiều tâm đắc viết: “Mỗi câu thơ của bậc thiên tài không chỉ đa ngữ nghĩa, đa vỉa tầng mà nghĩa ở ngoài nghĩa, chữ ở ngoài chữ, tư tưởng ngoài tư tưởng, như khói sương ngoài lại khói sương. Muốn chạm được vào thế giới của Cung oán ngâm khúc không thể chỉ dùng các giác quan thông thường mà phải là sự tổng hợp nhuần nhị trong mơ hồ “thi giác” mới có thể gặp được hồn thơ thiên bách tuế này!”  
Tác gia Nguyễn Gia Thiều là ai mà sao có thể động lòng trắc ẩn, thổn thức khóc thương cho cuộc đời bằng một áng thơ chữ Nôm diễm lệ, vừa đài các thâm sâu thông tuệ vừa dung dị “nâu sồng” dân dã đến thế!?
Nguyễn Gia Thiều không phải nho sĩ thư lại bình thường mà là một người thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Ông xuất thân là một võ quan trong một gia đình đại quý tộc quyền thế có nhiều người làm quan, làm tướng thời vua Lê chúa Trịnh.  Ông nội là Siêu quận công Nguyễn Gia Châu từng nhiều năm trấn thủ Cao Bằng và Nghệ An. Cha là Đạt Vũ hầu Nguyễn Gia Ngô lấy quận chúa Quỳnh Liên (Trịnh Thị Ngọc Tuân), con thứ 6 chúa Trịnh Cương. Từ nhỏ, Nguyễn Gia Thiều đã sống trong phủ Chúa được tận hưởng cuộc sống êm đềm vinh hoa phú quý.
Được thụ hưởng một nền giáo dục chu đáo trong phủ chúa, cùng học với anh họ là thế tử Trịnh Sâm nên Nguyễn Gia Thiều sớm bộc lộ tài năng đa dạng, giỏi cả văn lẫn võ nhưng thiên về võ với mong muốn nối nghiệp cha. Năm 1759 khi mới 18 tuổi ông giữ chức Hiệu úy quản trung mã tả đội, sau thăng làm Chỉ huy thiêm sự, Chỉ huy đồng trị. Đến năm 30 tuổi thăng lên chức Tổng binh đồng trị, ông được chúa Trịnh tin dùng và phong tước Hầu (Ôn Như Hầu).
Người đời bảo, nếu quan lộ thênh thang, chưa hẳn Nguyễn Gia Thiều đã có khúc ngâm để đời kia. Một giai đoạn, ông được đưa đi trấn giữ miền Hưng Hóa nhưng lại xin về sống cuộc đời tài tử làm thơ... Quãng cuối đời, triều Tây Sơn mời ông trở lại cộng tác nhưng ông chối từ về sống ở quê nhà làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, nay là xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành.
Bình về cuộc đời, sự nghiệp của Ôn Như hầu, nhà văn Phạm Thuận Thành đánh giá: “Nguyễn Gia Thiều là một con người văn võ toàn tài. Từ tướng võ trở thành tác gia văn học viết bằng chữ Nôm tiêu biểu... Tay gươm có sắc đến mấy cũng không sắc bằng ngòi bút và hậu thế nhớ đến ông chủ yếu là ở tác phẩm “Cung oán ngâm khúc”, đỉnh cao của một giai đoạn văn học với những khúc ngâm xuất hiện, tiền đề vững chắc cho sự ra đời “Truyện Kiều” bất hủ của Nguyễn Du sau này”.
Một đại quý tộc, một đại trí thức, một tâm hồn thơ xuất chúng nhưng phàm là người, xưa nay có ai vượt qua nấm đất cuối của mình đâu. Đó cũng là triết lý hư vô mà Ôn Như hầu đã gửi vào khúc ngâm bất hủ- “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”.
Với ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật, Nguyễn Gia Thiều biết cuộc đời là bể khổ, kiếp sống của con người chỉ tồn tại trong từng hơi thở, vật chất, danh lợi, hạnh phúc trên đời chỉ là phù hoa ảo ảnh, cuối cùng chẳng có gì ngoài nấm mồ cỏ mọc xanh rì. Song, cái hư vô không làm cho cuộc sống mất ý nghĩa mà trái lại, khi đối diện với hư vô sẽ mang đến cho cuộc đời một ý nghĩa mới, cuộc sống sẽ được thanh lọc, trở nên lành mạnh, trong trẻo hơn. Vậy nên, sau cùng ông vẫn chọn quê hương để trở về và hòa vào đất quê, giữa mênh mông mây trời, tiêu dao cùng gió hương đồng nội. Năm 1981, Nhà nước công nhận là Nguyễn Gia Thiều là Danh nhân văn hóa. Mộ phần và nhà thờ họ Nguyễn Gia ở làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành được xếp hạng là Di tích lưu niệm Danh nhân văn hóa.
Với hậu thế ngày nay, tên tuổi Nguyễn Gia Thiều sống mãi cùng tuyệt tác Cung oán ngâm khúc bất hủ đã kết tinh tài năng, tư tưởng, tinh thần nhân văn sâu sắc của một danh nhân văn võ toàn tài.

Thanh Lâm
20211201_083027COPYRIGHT BY AN HUY VINA - AHV GROUP
Khai thác Bản quyền bởi Cổng thông tin điện tử tổng hợp AHV Group (Ghi rõ nguồn "AHVGroup.vn" khi phát lại nội dung này)

AHV Group "Nông nghiệp - Cung cấp thực phẩm - Suất ăn công nghiệp - Nhà hàng Hương Quê - Du lịch - Công nghệ - Truyền thông"
Add       .: Km14+600, QL.18, Từ Phong, 
                Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh
Tel         .: (+84-222) 220.3333 -  3.625.625
Hotline .: 0843.625.625 / 08.1800.4868
Web     .: www.ahvgroup.vn       
Email   .: ahvgroupvn@gmail.com

z2983015792245_bd219b30dd779309caed1b2c8461b456 

Bài viết liên quan

Giới thiệu An Huy Vina - AHV Group
Giới thiệu An Huy Vina - AHV Group
Tour cố định Du lịch Văn hóa - Tâm linh & Trải nghiệm làng nghề Bắc Ninh
Tour cố định Du lịch Văn hóa - Tâm linh & Trải nghiệm làng nghề Bắc Ninh
Tạo khung hình đại diện Avata Tôi yêu Bắc Ninh cho Facebook, Zalo, Tiktok
Tạo khung hình đại diện Avata Tôi yêu Bắc Ninh cho Facebook, Zalo, Tiktok
Chùm ảnh Bắc Ninh Tour số 1 Du lịch Văn hóa – Tâm linh & Trải nghiệm làng nghề ngày 10/09/2023 (26/7 âm lịch)
Chùm ảnh Bắc Ninh Tour số 1 Du lịch Văn hóa – Tâm linh & Trải nghiệm làng nghề ngày 10/09/2023 (26/7 âm lịch)
Chùm ảnh Bắc Ninh Tour số 1 Du lịch Văn hóa – Tâm linh & Trải nghiệm làng nghề ngày 09/03/2023 (19/7 âm lịch)
Chùm ảnh Bắc Ninh Tour số 1 Du lịch Văn hóa – Tâm linh & Trải nghiệm làng nghề ngày 09/03/2023 (19/7 âm lịch)
Thành viên CLB Đầu tư & Khởi nghiệp đạt giải cấp vùng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023
Thành viên CLB Đầu tư & Khởi nghiệp đạt giải cấp vùng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023
Bảng Giá Các Loại Tour Du Lịch Việt Nam | AHV Hương Quê - Bắc Ninh Tour
Bảng Giá Các Loại Tour Du Lịch Việt Nam | AHV Hương Quê - Bắc Ninh Tour
TOUR DU LỊCH HÀ NỘI – SAPA – CÁT CÁT - MOANA – FANSIPAN: 3 NGÀY 2 ĐÊM
TOUR DU LỊCH HÀ NỘI – SAPA – CÁT CÁT - MOANA – FANSIPAN: 3 NGÀY 2 ĐÊM
AHV Hương Quê tham gia dự án Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh
Tuyến LandTour Du lịch Văn hóa, Tâm linh & Trải nghiệm làng nghề Bắc Ninh
Bắc Ninh: Đồng chí Nguyễn Thị Chiển - Làm tốt việc dân mong
Bình dị bánh tẻ làng Chờ - Bắc Ninh
Bắc Ninh: Một thoáng Thọ Vuông - Đông Thọ - Yên Phong
Thuận Thành - Bắc Ninh: Phụ nữ Đình Tổ xây dựng Nông thôn mới - Con đường hoa tuyệt đẹp
Thành phố Từ Sơn: Khởi công công trình nhà vệ sinh có sử dụng vật liệu từ chai nhựa
Giải vô địch Karate Quốc gia: VĐV Nguyễn Văn Nhật giành HCV đầu tiên cho đội tuyển Karate Bắc Ninh