AHV Hương Quê tham gia dự án Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh
Sau hơn 1 tháng phát động, Ban tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp nhận và xét duyệt được 65 dự án đủ điều kiện vào vòng 2. Kết quả này cho thấy, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng và cần được trao cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng, biến thành những sản phẩm trí tuệ có giá trị kinh tế cao.
Dự án “Du lịch Văn hóa - Tâm linh và Trải nghiệm làng nghề” của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp được kỳ vọng tạo ra mạng lưới kết nối cho những người khởi nghiệp. |
Kết thúc vòng sơ loại, các Tổ chuyên gia của Ban Giám khảo đánh giá hồ sơ tham dự dựa theo các tiêu chí: Mô tả tổng quát về dự án khởi nghiệp, khả năng thương mại hóa, thị trường; nguồn lực thực hiện; giải pháp huy động vốn; kế hoạch hành động; kết quả, lợi ích về kinh tế, xã hội và đóng góp về môi trường của dự án khởi nghiệp; khó khăn, thách thức mà dự án khởi nghiệp đang và sẽ phải đối mặt, giải pháp, đề xuất, kiến nghị; định hướng phát triển…Qua sơ bộ cho thấy, chất lượng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được gửi tới cuộc thi khá cao, có sự chuẩn bị nghiêm túc, đa dạng … Nhiều dự án nêu bật được tính mới, độc đáo của dự án, mô hình và thể hiện nhiệt huyết, đam mê của tác giả. Lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng khá đa dạng từ công nghiệp, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, các phần mềm, giải pháp tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh… Tiêu biểu như: Dự án “Du lịch Văn hóa - Tâm linh và Trải nghiệm làng nghề tỉnh Bắc Ninh” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc (CLB Đầu tư & Khởi nghiệp và Công ty cổ phần AHV Hương Quê); dự án BCA - Blockchain in Agriculture của tác giả Hà Thị Minh Hằng (Học viện Ngân hàng); Dự án VAZO - Giải pháp kinh doanh số của tác giả Đào Khắc Cử - Nguyễn Sinh Thành (Công ty TNHH Truyền thông và đào tạo Việt Anh); Dự án Kiến tạo xã hội 5.0 của tác giả Nguyễn Thanh Thái (Công ty TNHH MTV Nghiên cứu và phát triển ứng dụng xã hội 5.0);…Các đơn vị thành viên Ban Tổ chức cũng tích cực vận động hội viên, đoàn viên tham dự nên số lượng hồ sơ gửi tới trong lần đầu tổ chức bảo đảm. Một số tác giả hiện không sinh sống tại Bắc Ninh biết thông tin qua đài, báo, mạng xã hội cũng nộp hồ sơ tham dự.
Tuy nhiên, một số hồ sơ còn hạn chế trong cách trình bày, chưa thể hiện được điểm độc đáo, mới lạ của dự án, mô hình; một số tác giả chưa thật sự đầu tư, dành thời gian chau chuốt nên hình thức, nội dung hồ sơ tham dự còn sơ khoáng…Vì vậy, để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tham dự, Ban Tổ chức sẽ thực hiện chuỗi tư vấn, hướng dẫn chuyên sâu về mô hình kinh doanh; tập huấn các kỹ năng kêu gọi vốn, thành lập doanh nghiệp, thuyết trình…Qua đó, giúp các cá nhân, doanh nghiệp tham dự cuộc thi trang bị kiến thức, trải nghiệm để sau cuộc thi, có thể vững vàng trên con đường khởi nghiệp.
Được biết, ở giai đoạn tiếp theo, Ban Giám khảo tiếp tục thẩm định, phân tích, đánh giá trực tiếp trên hồ sơ, sản phẩm dự thi về hình thức, nội dung, mức độ đáp ứng các yêu cầu về tính sáng tạo, không sao chép, không phạm quy... theo các tiêu chí quy định. Vòng 2 sẽ lựa chọn 40 hồ sơ dự thi có số điểm cao nhất để tham gia Vòng Bán kết. Theo ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan thường trực Ban Tổ chức cuộc thi), các tác giả tham dự sẽ phải có sự chuẩn bị chu đáo hơn, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết. Thực tế cho thấy, các bạn trẻ, doanh nghiệp trẻ tham gia khởi nghiệp có rất nhiều ý tưởng, dự án hay, nhưng chưa bao quát được hết các rủi ro nảy sinh, còn non yếu trong cách thức trình bày, kêu gọi vốn đầu tư, kết nối tới mạng lưới sản xuất kinh doanh để ý tưởng, dự án đi vào hiện thực. Vì vậy, việc tham dự cuộc thi dù đạt giải hay không cũng chính là cơ hội để những người trẻ có mong muốn khởi nghiệp, lập nghiệp, tự thể hiện mình với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thông qua ý tưởng, mô hình kinh doanh tiềm năng; tạo cơ hội kết nối cung - cầu đối với sản phẩm trí tuệ. Ngoài ra, Ban Tổ chức tin rằng cuộc thi là kênh thông tin hữu ích đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người trẻ trong hoạt động khởi nghiệp; từ đó có các giải pháp hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động khởi nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.